Chủ đề này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trao quyền cho mỗi cá nhân - đặc biệt là phụ nữ và thanh niên - để họ có thể đưa ra quyết định sinh sản một cách tự nguyện, dựa trên đầy đủ thông tin, trong bối cảnh các thách thức toàn cầu ngày càng gia tăng như biến đổi khí hậu, dịch chuyển dân số, bất ổn kinh tế và bất bình đẳng xã hội.
Chủ đề Ngày Dân số Thế giới 11/7: "Quyền tự quyết về sinh sản trong một thế giới đang thay đổi"
Trong những năm qua, công tác Dân số và Phát triển tại Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước. Tuổi thọ trung bình tăng lên 74,7 tuổi vào năm 2024; tỷ lệ suy dinh dưỡng và tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh. Chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam cũng đã tăng hơn 6cm trong 30 năm qua. Một dấu mốc đáng chú ý gần đây là ngày 3/6/2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số, chính thức bãi bỏ quy định mỗi gia đình chỉ sinh 1 hoặc 2 con, tạo điều kiện cho người dân được tự quyết định số con phù hợp với hoàn cảnh. Trước đó, Chính phủ cũng ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, như miễn giảm học phí, tư vấn và khám sức khoẻ trước kết hôn, chế độ nghỉ thai sản cho cả vợ và chồng… nhằm khuyến khích sinh đủ hai con tại các khu vực có mức sinh thấp.
Hiện nay, Dự thảo Luật Dân số mới, đang được Quốc hội thảo luận, tiếp tục khẳng định quyền sinh sản là nền tảng cho chiến lược dân số quốc gia, hướng tới công bằng trong tiếp cận dịch vụ và thích ứng với bối cảnh nhân khẩu học mới.
Tại Hà Nội - địa phương có mật độ dân số cao thứ hai cả nước - công tác Dân số đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả và đạt nhiều kết quả tích cực trong thời gian qua. Giai đoạn 2019-2024, tỷ lệ tăng dân số trung bình mỗi năm đạt gần 1%, tương đương khoảng 72.000 người, tạo áp lực lớn lên hạ tầng, dịch vụ công và chất lượng sống đô thị. Tuy nhiên, các chỉ tiêu quan trọng về dân số không ngừng được cải thiện: Năm 2024 công tác Dân số xã Phú Nghĩa đã đạt các chỉ tiêu kế hoạch của huyện đề ra: tỷ lệ sinh con thứ ba giảm xuống còn 10,64%; tỷ lệ sàng lọc trước sinh đạt 82,17%, sàng lọc sơ sinh đạt 88,8%; tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ đạt 86,7%, tỷ số giới tính khi sinh giữ ở mức 109 trẻ trai/100 trẻ gái. sáu tháng đầu năm 2025, tỷ lệ sinh con thứ ba là 11,4%; sàng lọc trước sinh đạt 83,2%, sơ sinh đạt 91,1%; tỷ lệ tư vấn và khám sức khỏe trước kết hôn đạt 76,9%; tỷ số giới tính khi sinh giữ ở mức 139 trẻ trai/100 trẻ gái.
Thành phố Hà Nội luôn tích cực cụ thể hóa các chủ trương lớn về công tác Dân số do Trung ương đề ra. Sau khi Trung ương ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW (năm 2017) và Chính phủ ban hành Chương trình hành động số 137/NQ-CP (năm 2018), Thành ủy và UBND Thành phố đã kịp thời ban hành nhiều kế hoạch quan trọng: Kế hoạch 74-KH/TU thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW; Kế hoạch 93/KH-UBND chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017-2025; Kế hoạch 168/KH-UBND phát triển thể lực, tầm vóc người Hà Nội đến năm 2030; đồng thời đẩy mạnh triển khai các mô hình dân số hiệu quả như tư vấn và khám sức khoẻ trước kết hôn, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng... Đặc biệt, nhận thức rõ những hệ lụy của mức sinh thấp kéo dài, Hà Nội đã chủ động ban hành Kế hoạch số 30/KH-UBND ngày 31/1/2025 về thực hiện Chương trình điều chỉnh mức sinh đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội với mục tiêu duy trì mức sinh thay thế, bảo đảm cân đối dân số, ổn định quy mô và phát triển nguồn nhân lực trong tương lai.
Kết luận số 149-KL/TW ngày 11/4/2025 của Ban Chấp hành Trung ương tiếp tục khẳng định rõ: Công tác Dân số là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài, xuyên suốt trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quốc gia. Điều này càng củng cố thêm định hướng đúng đắn mà Thành phố Hà Nội đã và đang thực hiện, đồng thời tạo cơ sở chính trị - pháp lý quan trọng để các địa phương trong cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác Dân số trong giai đoạn tới.
Hà Nội cũng là một trong những địa phương đi đầu trong việc chuyển đổi tư duy chính sách dân số, từng bước chuyển trọng tâm từ kế hoạch hóa gia đình sang tiếp cận toàn diện dân số và phát triển. Thành phố tập trung nâng cao chất lượng dân số, đồng thời gắn kết hài hòa giữa quy mô, cơ cấu và phân bố dân số với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Quán triệt sâu sắc tinh thần Kết luận số 149-KL/TW (tháng 4/2025) của Bộ Chính trị, khẳng định công tác Dân số là nhiệm vụ chiến lược, xuyên suốt trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, Hà Nội đã chủ động cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đảm bảo phát triển bền vững của Thủ đô trong giai đoạn mới. Để nâng cao nhận thức cộng đồng và thúc đẩy chuyển đổi hành vi, Hà Nội đã triển khai mạnh mẽ hoạt động truyền thông về quy mô, cơ cấu, chất lượng dân số gắn với các mục tiêu phát triển bền vững. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh vai trò của tư vấn và khám sức khoẻ trước kết hôn, sàng lọc trước sinh và sơ sinh, bình đẳng giới, thích ứng với già hóa dân số và tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng.
Những nỗ lực toàn diện trong công tác Dân số đã và đang góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân Thủ đô, hướng tới xây dựng một xã hội công bằng, nhân văn và phát triển bền vững, nơi mỗi người đều được tôn trọng, được trao quyền tự quyết về sinh sản, và có điều kiện thuận lợi để chủ động định hướng tương lai của mình.